Rất nhiều chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đề ra. Song, muốn công nghệ hỗ trợ phát triển cần có thêm nhiều giải pháp nhằm nâng cao công nghệ, kỹ thuật.
Công nghiệp hỗ trợ Việt còn yếu
Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước còn chưa đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng; chất lượng còn chưa thực sự đạt yêu cầu, giá thành cao. Bên cạnh đó, quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn hạn chế, chưa đủ sức để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Năng lực công nghệ của nước ra cũng chưa theo kịp các nước khác trong khu vực, khiến tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp còn thấp.
Nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ đã và sẽ được thực hiện
Nhận biết rõ thực trạng hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP đề ra nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Nghị quyết 115 nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến công nghiệp hỗ trợ; đồng thời đề ra các biện pháp bố trí và huy động hiệu quả nguồn nhân lực thực hiện các chính sách này.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cấp bù lãi suất từ 2021
Bộ Công Thương cũng đã đề xuất tiếp tục thực hiện ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo. Dự kiến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này sẽ được hỗ trợ lãi suất từ năm 2021.
Khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ hỗ trợ thông qua việc tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại, vốn sẽ được lấy từ nguồn đầu tư công trung hạn. Mức hỗ trợ bằng mức chênh lệch giữa lãi suất vay thương mại và lãi suất vay tín dụng ưu đãi đầu tư của Nhà nước nhưng không quá 5%.
Nhiều sự kiện kết nối giao thương được triển khai
Các Bộ, ban ngành liên quan cũng liên tục tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp Việt kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài. Gần đây nhất, vào ngày 9 - 11/12/2020, Bộ Công thương đã tổ chức Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2020. Sự kiện này có vai trò kết nối các doanh nghiệp, các nhà sản xuất; tạo môi trường lý tưởng để các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ quảng bá, trưng bày cũng như giới thiệu tới khách hàng những sản phẩm của mình.
Đồng thời VIMEXPO 2020 giúp thúc đẩy kết nối cung cầu B2B, hình thành mạng lưới Công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo của nước ta.
Cần xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật
Mặc dù nhiều chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ đã được đề ra; song, để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp, việc xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương là không thể thiếu.
Các trung tâm này có nhiệm vụ kết nối các doanh nghiệp địa phương để tạo thành một hệ sinh thái chung về công nghệ và sản xuất công nghiệp. Điều này cũng tạo điều kiện cho các đơn vị công nghiệp hỗ trợ đổi mới, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, từ đó tạo cơ hội tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Các giải pháp nêu trên nếu được thực hiện hiệu quả chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 115/NQ-CP là đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước. sản xuất và tiêu dùng, trong khi chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Nguồn: http://smartvietnam.com.vn/vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét