Công Nghiệp Hỗ Trợ - “Chìa Khóa” Để Ngành Da Giày Bứt Phá - Công Nghiệp Hỗ Trợ Việt Nam

Breaking

CÔNG NGHIỆP - PHỤ TRỢ

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Công Nghiệp Hỗ Trợ - “Chìa Khóa” Để Ngành Da Giày Bứt Phá

Để được hưởng thuế suất ưu đãi EVFTA, sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng quy định hàm lượng xuất xứ nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu của ngành da giày còn thấp. Về dài hạn, nếu ngành da giày muốn bứt phá mạnh mẽ với những ưu đãi từ EVFTA, không thể không tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ nội địa.

Da giày - Ngành xuất khẩu chủ lực

Da giày - Top 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước

Da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hơn 10%/năm. Tính từ năm 2015, kim ngạch xuất khẩu giày dép Việt Nam tăng 1,2 - 1,7 tỷ USD/năm và đến năm 2019 đạt 17,94 tỷ USD. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành Giày dép Việt Nam đạt 8,1 tỷ USD. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên xuất khẩu giày dép giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, da giày vẫn nằm trong top 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Một số chuyên gia cho biết nếu như đại dịch Covid-19 trên thế giới không bùng phát trở lại thì ngành Giày dép sẽ phục hồi từ tháng 10-2020 và chính thức tăng trưởng cao vào đầu năm 2021.

Da giày Việt Nam: Cơ hội nối tiếp cơ hội

Ngành da giày Việt Nam: Nhiều cơ hội lớn trong tương lai

Thời gian tới đây, ngành da giày Việt Nam sẽ liên tục đón chào những cơ hội lớn.

Trước hết là dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết các doanh nghiệp trên toàn cầu của lĩnh vực da giày đang định vị lại chuỗi cung ứng để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc (vốn đang chiếm 60-70%). Theo đó, chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 45 - 50% và dời 15 - 20% chuỗi cung ứng về Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ,... Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu giày da và sản xuất giày dép, túi xách.

Bên cạnh đó, ngành da giày Việt Nam còn được hưởng nhiều lợi ích từ các Hiệp định thương mại. 

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ 1/8. Theo đó EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày, dép. Các cam kết ưu đãi giảm thuế của Hiệp định EVFTA sẽ giúp sản phẩm da giày Việt Nam cạnh tranh hơn các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường châu Âu. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các doanh nghiệp da giày chỉ được hưởng lợi nếu tự chủ được nguyên liệu.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều quan trọng 

Ngành da  giày chỉ có thể bứt phá khi tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu

Các hiện định thương mại như CPTPP, EVFTA,… mang đến nhiều cơ hội lớn cho ngành da giày trong nước. Nhưng để tận dụng được cơ hội một cách hiệu quả nhất, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép. Nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%. 

Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao được đánh giá là một trong những “rào cản” của da giày khi tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao.

Mặc dù những năm gần đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, bà Xuân cho rằng nên có các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày.

Các khu công nghiệp này cần được quy hoạch tốt với nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, chính các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng phải chủ động tìm hiểu thông tin, nắm bắt các cơ hội mới; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công nghệ máy móc và nguồn nhân lực,... để gia tăng năng lực sản xuất.

Chỉ khi có đủ năng lực cạnh tranh, cộng thêm sự giúp sức từ Chính phủ thì các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành da giày nói riêng mới có thể nắm bắt được các cơ hội lớn trong hiện tại và tương lai. Qua đó góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp da giày của Việt Nam bứt phá và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

---------------------------------------------

Đừng quên truy cập vào smartvietnam.com.vn mỗi ngày để cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ!

Smart Việt Nam - Đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

- Website: http://smartvietnam.com.vn/

- Telephone: +84 222 3883 129

- Email: info@smartvietnam.com.vn

- Nhà máy 1: Lô E7, Cụm Công Nghiệp Đa Nghề Đông Thọ, Xã Đông Thọ, Huyện Yên Phong, Tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam

- Nhà máy 2: Lô 42c, Khu Công Nghiệp Quang Minh, Huyện Mê Linh, Hà Nội, Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét